T6. Th1 10th, 2025

Đây là một trong những hành vi bị tăng nặng mức phạt tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Saostar ngày 4/1 có bài Từ 1/1/2025, sử dụng chân chống quệt xuống đường phạt đến 10 triệu đồng. Nội dung như sau:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại điểm a khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy…

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP còn quy định người có hành vi sử dụng chân chống quệt xuống đường còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Ảnh minh hoạ

Trước đó, theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người sử dụng chân chống quệt xuống đường khi xe đang chạy, người điều khiển xe máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị xử phạt tối đa 3 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Thực tế, lỗi này thường được áp dụng với hành vi cố ý sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi đua xe, lạng lách, đánh võng để phát ra âm thanh, tia lửa. Trong trường hợp người dân quên gạt chân chống, Cảnh sát giao thông thường chỉ nhắc nhở mà không xử phạt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người dân cần lưu ý gạt chân chống xe máy khi lưu thông.

Báo Đời sống Pháp luật ngày 03/01 đưa thông tin với tiêu đề: “Tiền xử phạt vi phạm giao thông trong 2 ngày ở Hà Nội là 3,9 tỷ và TP HCM 12 tỷ đồng” cùng nội dung như sau: 

Tối ngày 3/1, Công an TP Hà Nội đã có thông tin về kết quả 2 ngày triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Theo đó, trong hai ngày 01 và 02/01/2025, phòng CSGT Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện kiểm soát giao thông tại các nút giao quan trọng trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tuần tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sử dụng rượu bia khi lái xe…

Trong 02 ngày đầu triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024, Phòng CSGT đã xử phạt 1.599 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 3,9 tỷ đồng, tạm giữ 443 phương tiện, tước Giấy phép lái xe đối với 51 trường hợp, 152 trường hợp bị trừ điểm Giấy phép lái xe.

Theo đó, có 113 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; 65 trường hợp đi vào đường cấm, đi ngược chiều; 77 trường hợp chạy quá tốc độ quy định; 305 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 252 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 507 trường hợp vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm… Nhiều lỗi nghiêm trọng được xử lý quyết liệt.

Việc này đã có tác động rõ nét, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông tại Hà Nội.

Việc tăng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe không chỉ tạo sức răn đe mà còn nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Các trường hợp vi phạm đều được xử lý công khai, minh bạch và nhận được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân Thủ đô với những biện pháp mới được triển khai.

Thời gian tới, lực lượng CSGT CATP sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền cho người dân nẵm rõ các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Từ đó chủ động chấp hành, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm giao thông.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Báo SGGP, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, trong 2 ngày đầu áp dụng Nghị định 168 (ngày 1 và ngày 2-1), CSGT toàn TPHCM đã xử phạt gần 3.300 trường hợp vi phạm.

CSGT TPHCM cũng tạm giữ 664 xe máy, 18 phương tiện khác và tước giấy phép lái xe của hơn 300 trường hợp; số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng.

Phần lớn CSGT xử phạt các lỗi vi phạm nồng độ cồn (hơn 1.050 trường hợp); đi không đúng phần đường, làn đường (gần 140 trường hợp); vi phạm lỗi tốc độ (300 trường hợp); đi vào đường cấm (hơn 70 trường hợp); không chấp hành tín hiệu đèn (gần 200 trường hợp); điều khiển xe khi cơ thể có chất ma tuý (15 trường hợp); dừng đỗ sai quy định (204 trường hợp)…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *