T6. Th1 10th, 2025

Giới chức Ấn Độ chỉ đạo theo dõi chặt chẽ virus HMPV (Human Metapneumovirus) sau khi phát hiện ba trường hợp dương tính.

Ngày 7/1/2025, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ấn Độ ghi nhận ba trường hợp đầu tiên nhiễm HMPV”. Nội dung cụ thể như sau:

Các ca mắc được Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo hôm 6/1. Hai trường hợp ghi nhận tại Karnataka và một tại Gujarat. Trước đó, dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, gợi nhớ đến Covid-19. Virus đã khiến các chính phủ trên toàn cầu cảnh giác, khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp phòng ngừa. Bắc Kinh cũng lo ngại về sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mùa xuân, dẫn đến quá tải tại bệnh viện.

Hai bệnh nhi nhiễm HMPV tại Karnataka là bé gái ba tháng tuổi và bé trai sáu tháng tuổi. Bé gái có tiền sử viêm phế quản phổi, bé trai nhập viện với các triệu chứng sốt và khó thở trước khi xét nghiệm dương tính. Tại Gujarat, virus được phát hiện ở một bé trai hai tháng tuổi, nhập viện hôm 24/12 với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.

Dù đã ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ, Bộ trưởng Y tế Liên bang JP Nadda trấn an dư luận về virus HMPV, khẳng định Bộ đang theo dõi sát sao, tình hình không có gì đáng lo ngại. Ông Nadda làm rõ, HMPV không phải virus mới, được xác định lần đầu vào năm 2001 và đã lưu hành thời gian dài. Virus lây lan qua đường không khí, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt vào mùa đông và đầu xuân.

Bộ cũng đang theo dõi diễn biến dịch ở Trung Quốc và các nước láng giềng. Đến nay, Ấn Độ chưa ghi nhận làn sóng lây nhiễm đột biến hay sự quá tải ở bệnh viện.

“Hệ thống y tế và mạng lưới giám sát của đất nước vẫn duy trì cảnh giác, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời với các thách thức y tế mới nổi. Không có lý do gì để lo lắng. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, ông Nadda nói.

Hình ảnh hiển vi điện tử HMPV. Ảnh: Science Photo

Chính quyền Delhi đã ban hành khuyến cáo nhằm chuẩn bị cho các thách thức sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến HMPV. Tiến sĩ Vandana Bagga, Tổng cục trưởng Dịch vụ Y tế, triệu tập một cuộc họp với các giám đốc y tế quận để thảo luận về sẵn sàng ứng phó. với các bệnh đường hô hấp ở Delhi nói chung. Theo chính phủ, Ấn Độ đã sẵn sàng xử lý các dịch bệnh mùa đông xuân.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), HMPV thuộc họ Pneumoviridae, cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Nó thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, với các triệu chứng tương tự cảm lạnh hoặc cúm thông thường.

Hôm 5/1, cơ quan y tế Karnataka cho biết HMPV chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, gây ho, sốt, nghẹt mũi và khó thở. Họ khuyến cáo người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và tránh nơi công cộng nếu có triệu chứng. Đồng thời, mọi người không nên tái sử dụng khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và không dùng chung khăn tắm hoặc khăn trải giường.

Hiện chưa có thuốc kháng virus điều trị HMPV, song các bác sĩ có thể điều trị theo triệu chứng, cho bệnh nhân nghỉ ngơi, uống bù nước và thuốc không kê đơn.

Báo Dân Trí ngày 6/1 cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ấn Độ phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus HMPV”. Nội dung cụ thể như sau:

Người Ấn Độ đeo khẩu trang hồi năm 2021 (Ảnh: Reuters).

Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Human Metapneumovirus (HMPV) tại bang Karnataka thông qua chương trình giám sát định kỳ.

Cả 2 trường hợp, được phát hiện tại Bệnh viện Baptist Bengaluru, nằm trong khuôn khổ hoạt động giám sát các bệnh đường hô hấp trên toàn quốc của ICMR.

Theo Times of India, đây là những trường hợp đầu tiên bị xác nhận nhiễm virus HMPV kể từ khi Trung Quốc ghi nhận số ca bệnh gia tăng trong thời gian qua.

Ca đầu tiên liên quan đến một bé gái 3 tháng tuổi được chẩn đoán nhiễm HMPV sau khi nhập viện vì viêm phổi phế quản. Bệnh nhân đã được xuất viện. Trường hợp thứ hai là một bé trai 8 tháng tuổi, được xác nhận dương tính vào ngày 3/1, cũng có tiền sử viêm phổi phế quản. Bệnh nhân đang hồi phục. Cả hai bệnh nhân không có lịch sử du lịch ra nước ngoài.

ICMR và Chương trình Giám sát Bệnh Tật Tích Hợp (IDSP) cho rằng HMPV đã lưu hành trên toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ, và không có dấu hiệu tăng đột biến bất thường các trường hợp bệnh giống cúm hoặc bệnh hô hấp cấp tính nặng.

Ông Suralkar Vikas Kishore, Ủy viên y tế của cơ quan hành chính BBMP, cho biết: “Bệnh viện ban đầu đã báo cáo các trường hợp này, và các xét nghiệm sau đó đã xác nhận nhiễm virus. Việc giám sát thêm sẽ giúp đánh giá tải lượng virus và mức độ lây lan”.

Báo cáo y khoa xác nhận chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR, phương pháp phát hiện RNA/DNA của vi sinh vật với nồng độ đáng kể.

Một quan chức cấp cao từ Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cho biết: “Các cuộc điều tra chi tiết đang được tiến hành để đánh giá tác động của virus. Nếu cần thiết, các biện pháp kiểm tra và kiểm soát sẽ được thực hiện”.

Bộ Y tế Ấn Độ, phối hợp với ICMR, tiếp tục theo dõi các xu hướng HMPV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang cung cấp các bản cập nhật về tình hình toàn cầu, bao gồm cả đợt bùng phát tại Trung Quốc.

HMPV là một loại virus đường hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự cảm lạnh, cúm, Covid-19. Mặc dù bệnh thường nhẹ, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Đây không phải loại virus mới nhưng đã thu hút sự chú ý do số ca nhiễm gia tăng, đặc biệt ở trẻ em dưới 14 tuổi ở miền bắc Trung Quốc.

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001, HMPV là một loại virus RNA sợi đơn lây lan qua các giọt hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm. Các ca nhiễm trước đây đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm ho, sốt, nghẹt mũi và mệt mỏi, với thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày. Khác với Covid-19, hiện chưa có vắc xin hay phương pháp điều trị kháng virus cụ thể cho HMPV, điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng.

Trung Quốc cho biết bệnh hô hấp do nhiễm HMPV ở nước này chỉ là sự gia tăng bình thường theo mùa của các bệnh đường hô hấp và không gây báo động. Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp đề phòng khẩn cấp, trong đó có giám sát chặt chẽ các ca bệnh, áp dụng đeo khẩu trang…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *